HƯỞNG ỨNG NGÀY THỊ GIÁC THẾ GIỚI 10/10/2024 “ƯU TIÊN CHĂM SÓC MẮT TRẺ EM”
HƯỞNG ỨNG NGÀY THỊ GIÁC THẾ GIỚI 10/10/2024
“ƯU TIÊN CHĂM SÓC MẮT TRẺ EM”
Ngày Thị giác thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 với mục đích nâng cao nhận thức của toàn cầu về tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực và việc phục hồi các chức năng thị giác. Đây là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) nhằm nhắc nhở mọi người tầm quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt và chữa trị cho các bệnh nhân bị khiếm thị.
Ngày Thị giác Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày thứ Năm tuần thứ hai của tháng 10. Năm nay, là ngày 10/10/2024 với chủ đề: “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe mắt trẻ em, giúp trẻ cơ hội yêu thương đôi mắt của mình.
Thực hiện thông điệp của Ngày Thị Giác Thế giới, chúng ta nên dành cho đôi mắt của các bé sự quan tâm và chăm sóc nhiều hơn bằng những biện pháp vô cùng đơn giản dưới đây:
1. Ăn uống cân bằng.
Chế độ dinh dưỡng hợp lí luôn là một trong những yếu tố được ưu tiên hàng đầu, vì mắt luôn cần được bổ sung dưỡng chất từ bên trong. Do đó, chúng ta nên ăn uống đủ chất và ưu ái những thực phẩm có lợi cho mắt như: rau củ, trái cây có màu cam, vàng, đỏ, hoặc ngũ cốc, cá biển…
2. Tạo điều kiện cho mắt nghỉ ngơi.
Không một đôi mắt nào có thể hoạt động liên tục mà vẫn sáng khỏe. Hướng dẫn các bé thực hiện quy tắc 20-20-20: Hãy cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút học bài hoặc làm việc trước màn hình điện tử bằng cách nhắm mắt 20 giây và nhìn ra xa 20 fet (6 mét). Ngoài ra, hãy ngủ đủ giấc và tránh thức khuya để đôi mắt luôn tràn đầy sức sống.
3. Che chắn cho mắt khi ra ngoài.
Khi đi ra ngoài những ngày nắng gắt, chúng ta nên trang bị cho mình loại kính râm có khả năng chống tia UV, nhằm phòng ngừa bỏng mắt và giảm độ chói sáng quá mức không cần thiết có thể gây mỏi mắt.
4. Tránh khói thuốc.
Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp mà còn là tác nhân dẫn đến tình trạng khô mắt và suy giảm thị lực.
5. Khám mắt định kỳ.
Có 4 thời điểm cần khám mắt định kì cho các con mà cha me cần nắm được:
- Sơ sinh.
Mọi trẻ sơ sinh cần được nhân viên y tế khám mắt sơ lược và đánh giá ánh phản xạ đồng tử để chắc rằng mắt bé vẫn ở trạng thái bình thường. Những bé nguy cơ cao sẽ cần được khám kĩ hơn bởi bác sĩ mắt, như: sinh non, có vấn đề về sức khoẻ sơ sinh, có các biểu hiện bất thường hoặc dị tật, hay trong gia đình có người bị bệnh mắt bẩm sinh di truyền.
- Nhũ nhi.
Cho dù bé hoàn toàn khoẻ mạnh, vào giai đoạn 6 tháng đến 1 tuổi, bé cần được khám lại lần thứ 2 với cùng nội dung như trên, để loại trừ những bất thường xuất hiện muộn.
- Trước tuổi đi học.
Từ 3 tuổi đến 3.5 tuổi, bé đủ lớn để hợp tác với bác sĩ khi thăm khám. Lúc này, thị giác và vị trí tương xứng của 2 mắt cần được quan tâm…đây là thời điểm quan trọng để phát hiện những tật khúc xạ và dị tật bẩm sinh như lác, sụp mi, quặm bẩm sinh…
- Tuổi đi học.
Vào những ngày đầu nhập học và bất kể lúc nào có dấu hiệu nghi ngờ, bé cần được khám lại thị lực. Giai đoạn này, cận thị là tật khúc thường gặp nhất.
Nếu con bạn đang ở những lứa tuổi kể trên, đừng quên đưa con đi khám nhé!
Đôi mắt và hệ dẫn truyền thị giác của bé nhạy cảm, bất kì tổn thương nào cũng gây nguy cơ tác động lâu dài lên trẻ. Tuy nhiên, khi được phát hiện sớm, những rối loạn này vẫn có thể hồi phục ngoạn mục.
Chủ đề của Ngày Thị giác Thế giới năm 2024 với chủ đề “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ thơ” sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe mắt của trẻ em, khuyến khích các bậc phụ huynh quan tâm đúng mức đến việc phòng ngừa các vấn đề liên quan đến mù lòa và suy giảm thị lực từ sớm. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của giáo dục về chăm sóc mắt, từ đó giúp cải thiện chất lượng sống cho trẻ em và ngăn ngừa các bệnh lý mắt nghiêm trọng ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của các em.